Trang chủ / Văn Học Nước Ngoài 4
ong hang sach o kabul
 

ÔNG HÀNG SÁCH Ở KABUL

Tác giả: Asne Seierstad

Nhà xuất bản: Công An Nhân Dân

ÔNG HÀNG SÁCH Ở KABUL là những câu chuyện được tác giả kể về những gì mà tác giả dã thấy, đã nghe trên đất nước Afganistan. Cuốn truyện là một tập hợp các câu chuyện, các sự kiện và ấn tượng, về tất cả những gì mà tác giả đã nghe, đã thấy. Đây là những câu chuyện mang tính chân thực về một đất nước lạ lùng, vừa sống động vừa buồn bã, với biết bao diều trái ngược diễn ra hàng ngày, ở khắp nơi, trong mỗi nhân cách, trong mỗi số phận.

 

Thông tin thêm về tác giả Asne Seierstad và tác phẩm The Bookseller of Kabul

Ngày 22-5, nhà báo Na Uy Asne Seierstad đã vượt qua các đối thủ nặng ký như tiểu thuyết gia Monica Ali (tác phẩm Brick Lane) để đoạt giải thưởng cao quí Emma với tác phẩm bestseller The Bookseller of Kabul, hiện đang là một trong những cuốn sách bán chạy nhất tại Anh.


Giải Emma có mục đích tôn vinh những người đã có đóng góp to lớn vào việc tăng cường sự hiểu biết và cảm thông giữa các nền văn hóa khác nhau. Giải Emma năm 2003 về tay đạo diễn Mỹ Michael Moore. Ban giám khảo đề cử các ứng viên giải dựa vào ý kiến của 20.000 người hoạt động trong các lĩnh vực thông tấn báo chí. Công chúng sẽ bầu người đoạt giải.


Thành công không trọn vẹn

Một năm sau khi xuất bản cuốn The bookseller of Kabul nói về một gia đình ba thế hệ ở Kabul, Afghanistan, Asne Seierstad, 33 tuổi, đã phải tự hỏi: “Có lẽ tôi đã đánh lừa chính mình khi nghĩ rằng nhân vật chính trong sách sẽ không phản ứng gì cả”. Người bán sách Shah Mohammed Rais, 60 tuổi, mà trong sách được đổi tên thành Sultan Khan đã thề sẽ kiện bà về tội phỉ báng để phục hồi danh dự cho mình.

Ông ta cho biết rất phẫn nộ trước việc một người được ông mời vào nhà sống bốn tháng như thân thuộc lại mô tả ông như kẻ lạc hậu, chuyên chế và nô dịch phụ nữ kể cả người vợ thứ còn rất trẻ. “Tôi đồng ý là có một số chi tiết lấn quá xa vào đời tư, nhưng tôi chỉ muốn nói lên một sự thật về phụ nữ Afghanistan” - Asne nói.


Chỉ riêng tại Na Uy, 220.000 ấn bản The bookseller of Kabul đã bán hết. Tháng 8-2003 cuốn sách có mặt tại Anh, Mỹ và giữ vị trí bestseller trong nhiều tháng liền. Đây là cuốn sách không thuộc thể loại tiểu thuyết bán chạy nhất trong lịch sử Na Uy. Phân nửa số tiền thu lợi từ sách được Asne gửi đến các tổ chức thiện nguyện đấu tranh cho quyền phụ nữ tại Afghanistan. “Tôi rất bức xúc trước việc họ hầu như mỗi ngày đều bị tra tấn tinh thần một cách rất tàn nhẫn” – bà nói. Mặc dù tác giả đã lược bỏ những đoạn văn bị xem là xúc phạm khi in lại nhưng Rais, hiện bán sách chủ yếu cho du khách và người nước ngoài tại khách sạn Intercontinental ở Kabul, vẫn chưa bằng lòng.

Trong vòng một tháng ông đã gửi 40 đơn tố cáo cuốn sách lăng nhục văn hóa Afghanistan và đạo Hồi. Ông còn dọa sẽ đưa vụ kiện sang cả nước Anh. Báo chí Na Uy đưa tin về cuộc đấu khẩu này gần như mỗi ngày làm phát sinh câu hỏi về tính đạo đức của các nhà quan sát phương Tây khi mô tả về những gì đang diễn ra tại các nước nghèo, đang phát triển. “Tôi đồng ý là có lẽ mình nên cẩn thận hơn khi tung cuốn sách ra thị trường. Nhưng tôi chỉ nói lên sự thật chứ không hề bịa đặt. Một phần khá lớn cuốn sách liên quan đến việc bán sách của Rais chứ không chăm bẳm vào việc mô tả ông ta như tên đồ tể của phụ nữ” – Asne nói.

Asne có điều gì phải lo về vụ kiện? Có lẽ không nhiều lắm vì một cuộc thăm dò dư luận mới đây cho thấy phần lớn dân chúng Na Uy thông cảm và ủng hộ bà. Bà cũng được sự hỗ trợ của các phụ nữ Afghanistan sống ở nước ngoài. “Nhiều người nói là tôi đã viết sự thật, thậm chí chưa đi đủ xa” – Asne nói và cho biết vụ kiện có thể sẽ được rút lại, nhưng Rais khẳng định đến cuối năm nay vụ kiện sẽ được xét xử.

Mọi việc bắt đầu cuối năm 2001, khi Asne theo quân Liên minh phương Bắc tiến vào Kabul để trám chỗ trống do phe Taliban vừa sụp đổ để lại. Một trong số người bà kết thân được trong thành phố là ông hàng sách Rais, người từng sống gian khổ qua nhiều chế độ. “Ông ta bị ngồi tù nhiều lần trong các chế độ khác nhau và sách của ông bị cướp phá, bị xé, bị đốt thường xuyên. Afghanistan cần những người nhiệt tâm với sách như ông ấy” – Asne nói.

Trong khi giới thiệu cho khách những cuốn sách cổ, Rais bắt đầu kể chuyện riêng của mình. Ông không chỉ nói về cuộc đấu tranh để bảo vệ bộ sưu tập sách quí mua từ các tủ sách tư nhân giấu trên tầng áp mái, mà còn nói về những chuyến du hành đến nhiều nơi xa xăm để bổ sung cho bộ sưu tập. Cần mẫn, ông làm việc như người bảo tồn tự nguyện các vốn quí của dân tộc Afghanistan bất chấp thái độ thù nghịch của Taliban. Là người nhạy bén với kinh doanh, Rais thú nhận ông kiếm được nhiều tiền nhờ bán sách thi ca vùng Persic, sách khoa học và ông đã nhiều lần đến Tehran (Iran) và Moscow (Nga) để tìm hiểu thị trường.

Vào thập niên 1970 khi Afghanistan còn yên ổn, cửa hàng sách của ông có nhiều trí thức, giáo sư và cả những tay hippie đi du lịch đến Ấn Độ ghé thăm. Ông cho biết trong ba thập niên có nhiều người nước ngoài đến cửa hiệu sách của ông để tìm những tư liệu họ muốn biết. “Người Nga dễ thương và lễ phép. Họ mua nhiều sách nói về nền văn hóa Afghanistan. Người Mỹ hiếm khi đến đây. Họ rất thô lỗ, thích văng tục, đeo kính đen và rảo khắp với súng ống đầy người” – Rais nói.

Dưới triều Taliban, Rais phải giấu phần lớn sách quí của mình. Hôm nay, những cuốn sách từng bị Taliban hủy hoại một phần đang trở thành vật lưu niệm được các nhân viên viện trợ và lính giữ gìn hòa bình người nước ngoài ưa thích. Họ thuộc số khách hàng chủ lực của ông. Người dân sở tại chỉ mua sách về máy tính, dạy nấu ăn, dạy tiếng Anh chứ không mua sách chính trị, triết học và kinh tế. “Cuộc sống hiện tại quá khó khăn, kinh tế lụn bại. Mua một cuốn sách là cả vấn đề. Người ta phải dành tiền mua thực phẩm vì đó là nhu cầu thiết yếu mà ngày càng đắt đỏ” – Rais nói. Sách của Asne ít nói về quá khứ của Rais và của thành phố.

Từ tiệm sách Shah M Books của mình, Rais theo dõi lịch sử Kabul và dự định viết một cuốn tự truyện trong đó đan xen cả cuộc sống phi thường của thành phố qua những bước thăng trầm. Tiệm sách của ông nằm ngay một giao lộ đông đúc, nơi những tay lái môtô thường xuyên gây gổ, đánh nhau bằng hung khí do va chạm. Rais có những cuốn sách rất quí về Trung Á. Ông nói: “Tôi không hề lạc quan về tương lai Afghanistan. Sau quá nhiều đau khổ chúng tôi đang trở thành nhà nước mafia. Nếu tôi có 100.000 đôla trong tay có nghĩa là tôi đã lên án tử cho mình”.

Cuộc đấu khẩu

Rais tin rằng thời gian ngắn ngủi Asne ở lại Kabul không đủ để nắm hết mọi vấn đề của đất nước này. “Bà ấy giới thiệu một hình ảnh méo mó của Afghanistan ra thế giới. Phụ nữ Afghanistan chịu đựng nhiều nhưng đó là do chiến tranh và kinh tế khó khăn”. Rais cho biết chân dung của ông trong cuốn The bookseller of Kabul đã bị thêu dệt bởi một nhà báo phản bội từng được gia đình ông tiếp đãi tử tế như người thân.

Còn trong cuốn sách sắp viết, Rais sẽ kể lại cuộc sống gian truân và hào hùng của ông trong việc bán sách, bắt đầu từ lúc ông còn là sinh viên Đại học Kabul. Đó sẽ là một câu chuyện rất khác với những gì kể trong The bookseller of Kabul, mà theo ông là chỉ để “câu” người đọc phương Tây vốn đang khao khát biết những gì diễn ra dưới chế độ Taliban và dễ tin vào những tiết lộ chưa được kiểm chứng.

Rais nổi tiếng trong giới báo chí phương Tây là một trong các nguồn tin độc lập nhất và tốt nhất của Kabul. Ông giúp đỡ nhiều cho đội ngũ phóng viên đổ về Kabul săn tin sau sự sụp đổ của Taliban và ông là kho báu vô giá của những người nước ngoài muốn tìm hiểu về đất nước Afghanistan khép kín sau 24 năm chiến tranh dai dẳng.

Theo Tuổi trẻ chủ nhật – Lê Tây Sơn (tổng hợp)

Tải về

http://www.mediafire.com/?ztijzi0ght2

Chia sẻ tới các bạn bởi Dulitruc